- 09/06/2020 09:33:09 PM
- Đã xem: 3149
- Phản hồi: 0
Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO) tính đến năm 2020 tỉ lệ người dân mắc các rối loạn tâm thần chiếm 25% dân số. Ở Việt Nam, một số tác giả cho rằng tỉ lệ này vào khoảng 22%. Trong đó có khoảng 1% dân số mắc bệnh tâm thần phân liệt.
Tâm thần phân liệt là một bệnh loạn thần nặng, tiến triển từ từ, có khuynh hướng mạn tính, căn nguyên hiện nay chưa rõ ràng, làm cho người bệnh dần dần tách khỏi cuộc sống bên ngoài, thu dần vào thế giới bên trong, tình cảm trở nên khô lạnh dần, khả năng làm việc, học tập ngày càng sút kém, có những hành vi, ý nghĩ kỳ dị, khó hiểu.
Đặc biệt, đa số người bệnh trong độ tuổi từ 18-45 tuổi, đây là độ tuổi lao động chính. Do hiểu biết của người dân về tâm thần phân liệt còn ít, bệnh thường tiến triển từ từ, các triệu chứng báo trước thường là những biến đổi không rõ ràng làm cho chính bản thân người bệnh và gia đình ít để ý, khó phát hiện, người bệnh tâm thần phân liệt thường hay mặc cảm dẫn đến khó có thể can thiệp và điều trị sớm trong giai đoạn đầu mà chỉ được đưa đi điều trị rất muộn, ảnh hưởng đến chất lượng điều trị và sự tái hòa nhập cộng đồng. Từ đó, bệnh ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người bệnh, tạo gánh nặng về tinh thần, kinh tế cho gia đình và xã hội.