Tâm thần phân liệt – Những hiểu biết ban đầu và sự phối hợp toàn diện trong chăm sóc người bệnh.

Thứ ba - 09/06/2020 21:33 2.922 0
Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO) tính đến năm 2020 tỉ lệ người dân mắc các rối loạn tâm thần chiếm 25% dân số. Ở Việt Nam, một số tác giả cho rằng tỉ lệ này vào khoảng 22%. Trong đó có khoảng 1% dân số mắc bệnh tâm thần phân liệt.
Tâm thần phân liệt là một bệnh loạn thần nặng, tiến triển từ từ, có khuynh hướng mạn tính, căn nguyên hiện nay chưa rõ ràng, làm cho người bệnh dần dần tách khỏi cuộc sống bên ngoài, thu dần vào thế giới bên trong, tình cảm trở nên khô lạnh dần, khả năng làm việc, học tập ngày càng sút kém, có những hành vi, ý nghĩ kỳ dị, khó hiểu.
Đặc biệt, đa số người bệnh trong độ tuổi từ 18-45 tuổi, đây là độ tuổi lao động chính. Do hiểu biết của người dân về tâm thần phân liệt còn ít, bệnh thường tiến triển từ từ, các triệu chứng báo trước thường là những biến đổi không rõ ràng làm cho chính bản thân người bệnh và gia đình ít để ý, khó phát hiện, người bệnh tâm thần phân liệt thường hay mặc cảm dẫn đến khó có thể can thiệp và điều trị sớm trong giai đoạn đầu mà chỉ được đưa đi điều trị rất muộn, ảnh hưởng đến chất lượng điều trị và sự tái hòa nhập cộng đồng. Từ đó, bệnh ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người bệnh, tạo gánh nặng về tinh thần, kinh tế cho gia đình và xã hội.
Hình ảnh chăm sóc bệnh nhân tại khoa
Hình ảnh chăm sóc bệnh nhân tại khoa
Tâm thần phân liệt – Những hiểu biết ban đầu
và sự phối hợp toàn diện trong chăm sóc người bệnh.

Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO) tính đến năm 2020 tỉ lệ người dân mắc các rối loạn tâm thần chiếm 25% dân số. Ở Việt Nam, một số tác giả cho rằng tỉ lệ này vào khoảng 22%. Trong đó có khoảng 1% dân số mắc bệnh tâm thần phân liệt.
Tâm thần phân liệt là một bệnh loạn thần nặng, tiến triển từ từ, có khuynh hướng mạn tính, căn nguyên hiện nay chưa rõ ràng, làm cho người bệnh dần dần tách khỏi cuộc sống bên ngoài, thu dần vào thế giới bên trong, tình cảm trở nên khô lạnh dần, khả năng làm việc, học tập ngày càng sút kém, có những hành vi, ý nghĩ  kỳ dị, khó hiểu.
 Đặc biệt, đa số người bệnh trong độ tuổi từ 18-45 tuổi, đây là độ tuổi lao động chính. Do hiểu biết của người dân về tâm thần phân liệt còn ít, bệnh thường tiến triển từ từ, các triệu chứng báo trước thường là những biến đổi không rõ ràng làm cho chính bản thân người bệnh và gia đình ít để ý, khó phát hiện, người bệnh tâm thần phân liệt thường hay mặc cảm dẫn đến khó có thể can thiệp và điều trị sớm trong giai đoạn đầu mà chỉ được đưa đi điều trị rất muộn, ảnh hưởng đến chất lượng điều trị và sự tái hòa nhập cộng đồng. Từ đó, bệnh ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người bệnh, tạo gánh nặng về tinh thần, kinh tế cho gia đình và xã hội.
Nguyên nhân của tâm thần phân liệt hiện nay vẫn chưa được biết rõ. Các nghiên cứu cho thấy tâm thần phân liệt có thể do một số nguyên nhân như: di truyền, sự thay đổi nồng độ của các chất dẫn truyền thần kinh, yếu tố môi trường.
Tâm thần phân liệt đặc trưng bởi sự biến đổi, lệch lạc trong suy nghĩ, lời nói, cảm xúc, ý thức về bản thân và hành vi. Các biểu hiện và triệu chứng có thể khác nhau về loại và mức độ nghiêm trọng theo thời gian, người bệnh có thể có những niềm tin, hoặc nghi ngờ sai lầm không dựa trên thực tế, nhìn thấy những thứ hoặc nghe thấy những âm thanh không tồn tại, lời nói khó hiểu, vô nghĩa, cười nói lẩm bẩm một mình, hành động không mục đích, mất quan tâm thích thú trong các hoạt động hằng ngày, sống thu mình, tách rời khỏi xã hội.
Về điều trị, người bệnh tâm thần phân liệt cần điều trị suốt đời. Với điều trị thích hợp, một số người bị tâm thần phân liệt có thể phục hồi. Khoảng 1/4 những người trẻ tuổi bị tâm thần phân liệt được điều trị tốt hơn trong vòng sáu tháng đến hai năm, 35-40% bệnh nhân cải thiện đáng kể các triệu chứng của họ sau khi điều trị lâu dài, đủ cho họ sống cuộc sống tương đối bình thường tại cộng đồng chỉ với các biểu hiện nhẹ.
 Tại Bệnh viện Tâm thần Nghệ An hiện đang phối hợp nhiều liệu pháp trong điều trị bệnh nhân tâm thần phân liệt: Hóa dược, sốc điện, tâm lý liệu pháp, phục hồi chức năng.
Hóa dược liệu pháp đóng vai trò quan trọng trong điều trị, giúp cải thiện đáng kể triệu chứng của bệnh trong khi nguyên nhân của tâm thần phân liệt còn chưa rõ ràng. Bệnh viện Tâm thần Nghệ An cung cấp đầy đủ các nhóm thuốc chống loạn thần cổ điển, thuốc chống loạn thần thế hệ mới, cũng như phối hợp các nhóm thuốc chống trầm cảm, giải lo âu, chỉnh khí sắc, thuốc bình thần nhằm mang lại hiệu quả điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.
Tâm lý liệu pháp giúp người bệnh giao tiếp, biểu lộ những suy nghĩ của mình với bác sĩ, đồng thời giáo dục gia đình, cộng đồng thay đổi thái độ đối với người bệnh, tránh mặc cảm, kỳ thị người bệnh.
Phục hồi chức năng là một trong những liệu pháp vô cùng quan trọng kết hợp với hóa dược liệu pháp và tâm lý liệu pháp nhằm phục hồi cả chức năng sức khoẻ thể chất lẫn chức năng sức khoẻ tinh thần và tâm lý cho người bệnh.
Lao động liệu pháp: Người bệnh tâm thần phân liệt sau thời gian điều trị cải thiện triệu chứng, sức khỏe dần ổn định sẽ được hướng dẫn làm những công việc nhỏ hằng ngày. Qua đó, giúp đem lại niềm vui và sự tự tin cho bệnh nhân, góp phần làm nhanh phục hồi sức khỏe, khôi phục và duy trì thói quen nghề nghiệp để sau khi ra viện bệnh nhân có thể tiếp tục công tác, sản xuất, sớm tái hòa nhập cộng đồng.
Tuy nhiên, điều trị bệnh tâm thần, đặc biệt là tâm thần phân liệt tại cơ sở điều trị nội trú chỉ là giải pháp điều trị nhất thời trong giai đoạn cấp tính, chỉ chiếm một thời gian ngắn trong quá trình điều trị người bệnh. Khi bệnh nhân ở tình trạng ổn định, hành vi không rối loạn, cảm xúc hoà hợp, không còn các triệu chứng nặng nề thì được điều trị và phục hồi chức năng tâm lý, xã hội chủ yếu tại cộng đồng. Chúng ta cần phối hợp chặt chẽ giữa thầy thuốc - người bệnh, gia đình và cộng đồng trong việc chăm sóc người bệnh bởi vì người bệnh sử dụng thuốc đều đặn hằng ngày là chưa đủ mà còn phải giúp cho họ hòa nhập với cộng đồng. Trong đó, vai trò của gia đình và cộng đồng là hết sức quan trọng.
Vai trò của gia đình: Mọi người phải tạo không khí tình cảm, thoải mái trong gia đình, thông cảm lẫn nhau, là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho các thành viên trong gia đình. Tránh gây căng thẳng, xích mích, tranh luận, hiểu lầm nhau...làm thuận lợi cho bệnh phát triển, tái phát. Phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường để đưa người bệnh tới cơ sở y tế kịp thời, an ủi động viên người bệnh hợp tác điều trị. Tránh đưa bệnh nhân đi điều trị bằng các phương pháp chưa rõ công năng tác dụng như: mê tín, cúng bái, các cây thuốc lá...
 Khi người bệnh được cấp phát thuốc cần phải quản lý thuốc, đảm bảo bệnh nhân uống đúng giờ, đều đặn, đủ liều lượng. Tạo điều kiện cho người bệnh được tham gia các công việc trong gia đình, từ đơn giản đến các công việc trước kia người bệnh đã từng làm, hoặc công việc mới phù hợp với khả năng lao động của từng người bệnh, từ đó giúp người bệnh có thể tự nuôi sống được bản thân, giúp giảm bớt đi gánh nặng về tinh thần và kinh tế đối với gia đình - xã hội.
Vai trò của cộng đồng: Quản lý, điều trị và chăm sóc người bệnh tại cộng đồng giúp người bệnh hoà nhập tốt với cộng đồng và xã hội, xoá bỏ sự mặc cảm, ngăn cách giữa người bệnh và cộng đồng, giữa người bệnh với cán bộ y tế, làm cho người bệnh nhanh chóng ổn định và phục hồi tốt các chức năng vốn có. Để đạt được điều đó, cộng đồng phải có thái độ đối xử tốt, biết thông cảm, không được kỳ thị, phân biệt đối xử với người bệnh. Các tổ chức đoàn thể cùng tạo điều kiện giúp bệnh nhân tham gia lao động, vui chơi, giải trí, hỗ trợ về vật chất, việc làm, tổ chức những hoạt động hữu ích. Tạo môi trường sống thoải mái, tránh các xung đột không đáng có, các yếu tố không có lợi, khích lệ người bệnh tham gia sinh hoạt cùng cộng đồng, khiến họ có cảm giác thoải mái, tin tưởng, tái hòa nhập xã hội thật tốt.
Đối với cơ quan, nơi làm việc, học tập của người bệnh: mọi người cần phải thông cảm, thấu hiểu bệnh tật của người bệnh, có thái độ cư xử đúng mức tránh gây căng thẳng tâm lý, tránh phân biệt đối xử, kì thị, hay có những phản ứng mạnh đối với người bệnh. Tạo điều kiện bố trí công việc phù hợp như lao động nghề nghiệp đơn giản, lao động chân tay hoặc lao động thông thường nhẹ nhàng mà người bệnh có thể làm được. Tạo điều kiện cho bệnh nhân tham gia hội họp, các hoạt động văn hoá văn nghệ vui chơi giải trí trong trường học, cơ quan, hoặc khi đi thực tập, dã ngoại. Động viên khuyến khích họ khi làm tốt nhiệm vụ được phân công.
Tóm lại, Tâm thần phân liệt đã và đang là một gánh nặng lớn trong hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm thần trong khi hiểu biết của cộng đồng về căn bệnh này còn nhiều hạn chế. Do đó cần có sự chung tay của cả cộng đồng và xã hội để có thể giảm bớt gánh nặng này trong tương lai./.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
FACEBOOK
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập93
  • Hôm nay13,448
  • Tháng hiện tại63,413
  • Tổng lượt truy cập12,880,357
Video clip
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây