Nhận thức đúng về sức khỏe tâm thần.
Xã hội càng phát triển, áp lực cuộc sống càng nhiều khiến bệnh tâm thần đang có xu hướng gia tăng. Đáng lo ngại hơn, hiện nay số người được chẩn đoán và tự biết mình có vấn đề về sức khỏe tâm thần chỉ chiếm chưa tới 30%. Số còn lại không biết và không thừa nhận mình có vấn đề về sức khỏe tâm thần nên không được chăm sóc và điều trị kịp thời, dễ dẫn đến những hệ lụy khôn lường.
Sức khỏe tâm thần được xem là một bộ phận không thể tách rời trong định nghĩa về sức khỏe , trong đó sức khỏe tâm thần không chỉ là không bị mắc rối loạn tâm thần, mà còn bao hàm trạng thái thoải mái, sự tự tin vào năng lực bản thân, tính tự chủ, năng lực và khả năng nhận biết những tiềm năng của bản thân.
Là một trong những cơ sở điều trị bệnh nhân tâm thần của khu vực Bắc Miền Trung, trung bình mỗi năm, Bệnh viện Tâm thần Nghệ An tiếp nhận trên 11.187 lượt bệnh nhân tới khám và điều trị trong đó có khoảng 4.500 bệnh nhân điều trị nội trú. Nhiều người vẫn quan niệm sai lầm khi cho rằng, chỉ những người có những hành động kỳ quặc, hay la hét nhảy múa, đi lang thang ngoài đường, đầu tóc bù xù… mới là bệnh nhân tâm thần.
Trên thực tế, những bất thường về tâm lý như: Ăn kém ngon, đau đầu, mất ngủ, buồn chán, hay cáu gắt, mệt mỏi kéo dài không rõ lý do, tăng nhạy cảm với các âm thanh, kém tập trung, phóng đại về năng lực cá nhân... đều được coi có vấn đề về tâm thần. Và đây thực sự là điều đáng báo động.
Dấu hiệu sớm của người mắc bệnh tâm thần là có thể mắc hội chứng suy nhược như rối loạn giấc ngủ, ăn kém ngon, mệt mỏi, mất quan tâm thích thú; cách ly với xã hội, ban bè, giảm giao tiếp, thời gian ở trong phòng một mình nhiều hơn; suy giảm hiệu suất làm việc và học tập; lời nói khác lạ như đang nói tự nhiên ngắt quãng hay lời nói trở nên bí hiểm; thay đổi về hành vi, có thể suốt ngày nằm trên giường, có người trở nên ít ở nhà hay đi lang thang; cảm xúc thờ ơ; những ý nghĩ kỳ lạ cho rằng mình ở thế giới khác về, mình là người cõi trên, cho rằng thức ăn có độc, có ai đó muốn hại mình, có người vui vẻ quá mức, múa hát, làm duyên, có người bồn chồn đứng ngồi không yên, đập phá, xung động tấn công…
Những bệnh lý rối loạn về tâm thần rất đa dạng như: Rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ, trầm cảm, stress, tâm thần phân liệt… Đặc biệt các bệnh lý này có thể đơn độc hoặc có thể kết hợp nhiều bệnh lý khác với những triệu chứng kín đáo làm ảnh hưởng tới việc phát hiện và hiệu quả điều trị cho người bệnh. Gánh nặng mà các bệnh lý rối loạn tâm thần gây ra ảnh hưởng không nhỏ đến xã hội, có thể kể đến như:
- Gánh nặng về mặt kinh tế: ảnh hưởng tới công việc, hiệu quả và hiệu suất làm việc.
- Gánh nặng về bệnh tật, chất lượng cuộc sống của từng cá nhân, gia đình và cộng đồng và xã hội.
- Thậm chí ảnh hưởng nhiều hơn nữa đó là tính mạng người bệnh nếu những bệnh nhân trầm cảm có ý nghĩ tự sát không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Vì vậy gia đình và người thân cần phát hiện sớm, điều trị kịp thời, theo đúng phương pháp khoa học tại các cơ sở y tế, không cúng bái, không giấu bệnh; tuân thủ sự hướng dẫn của bác sĩ quản lý và cho uống thuốc đúng liều lượng và thời gian. Có trường hợp phải điều trị duy trì hàng năm, như vậy người bệnh có thể ổn định lâu dài và sống hòa nhập trong cộng đồng.
Nghệ An, ngày 7 tháng 4 năm 2021